Hội nghị tập huấn triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2023
Ngày 18/5/2023, Cục Trẻ em phối hợp với Tổ chức ChildFund tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 tại Ba Vì, Hà Nội.Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Đây là một nội dung bắt buộc được quy định tại Luật trẻ em.
Lớp tập huấn có sự tham gia của 50 đại biểu gồm Lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan, tổ chức: Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam VNISA, Tổ chức ChildFund và gần 40 phóng viên, báo chí.
Tham gia hội nghị gồm có Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em; Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em; Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin; Đại tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng 7, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05); Bà Lê Thùy Dương, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Ông Đỗ Dương Hiển, Tổ chức ChildFund; Ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc AI-CAIO, Công ty cổ phần an ninh mạng SCS.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, tổ chức đã chia sẻ với phóng viên, báo chí về các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ về các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em và một số sản phẩm về quyền tham gia của trẻ em được chia sẻ tại website của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em http://tongdai111.vn/videos
Ông Nguyễn Hồng Quân – Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chia sẻ về Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Bà Đinh Thị Như Hoa, Trung tâm VNCERT/CC chia sẻ các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ cho trẻ em trên môi trường mạng, tiêu biểu là kế hoạch đánh giá sản phẩm, dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng (https://vn-cop.vn/tin-tuc-su-kien/thong-bao-ke-hoach-danh-gia-san-pham-dich-vu-bao-veho-tro-tre-em-tuong-tac-lanh-manh-tren-moi-truong-mang.html)
Bà Lê Thùy Dương, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ một số giải pháp tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tiêu biểu là các hoạt động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo có đủ hành lang pháp lý giúp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, hoạt động quảng cáo, hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội để hoàn thiện các quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ví dụ đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng theo hướng: Bổ sung trách nhiệm của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội (bao gồm cả các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam) về điều kiện kỹ thuật, đảm bảo có giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, cảnh báo và tiếp nhận cảnh báo đối với các nội dung không phù hợp với trẻ em, có các hình thức báo vi phạm dễ nhận biết; bổ sung quy định về thu thập thông tin cá nhân liên quan đến trẻ em (phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ) …
Kết thúc buổi tập huấn, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh chủ đề xuyên suốt Tháng hành động vì trẻ em – Tháng 6 năm 2023: “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
Các thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023:
1. Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em.
2. Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em.
3. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
4. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em.
5. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.
6. Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng.
7. Không gian mạng an toàn, công dân số tương lai.
8. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.
9. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em./.
Nguồn: VN-COP tổng hợp./.
Liên kết mạng xã hội