Báo cáo xâm hại

Xây dựng môi trường mạng an toàn cho công dân số tương lai

Xây dựng môi trường mạng an toàn cho công dân số tương lai

Xây dựng môi trường mạng an toàn cho công dân số tương lai

Sáng ngày 20/7/2023, tại Hà Nội, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp vối Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Việt Nam và Israel phòng, chống bắt nạt trên môi trường mạng”. Hội thảo nhằm chia sẻ những điển hình tốt về phòng, chống bắt nạt trên môi trường mạng, thảo luận về cách giải quyết vấn đề này, cũng như các hướng tiếp cận liên ngành và sáng kiến đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự thay đổi của xã hội.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Israel Yaron Mayer Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định: “Vấn đề này có những hệ quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và thể chất đối với nạn nhân và đã đến lúc chúng ta cùng nhau hành động và chống lại vấn nạn bắt nạt trực tuyến”.

Ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại hội nghị, diễn giả đến từ Israel Doron Herman, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục Safe School Analytics đã về các biện pháp và mô hình mà Israel đang áp dụng để chống bắt nạn trên mạng. Trong đó, phải kể tới nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về vấn đề này do Israel đề xuất. Israel cũng đã thành lập một cơ quan liên bộ, vận hành đường dây nóng 105 để tiếp nhận câu hỏi và báo cáo từ người dân về hành vi bắt nạt mạng. Các giải pháp công nghệ cũng là thế mạnh của Israel trong lĩnh vực này, điển hình là các nội dung giảng dạy do doanh nghiệp của Doron Herman phát triển nhằm hỗ trợ nhà trường giáo dục trẻ em về năng lực cảm xúc xã hội và an toàn trên mạng.

Ông Doron Herman – Nhà sáng lập và CEO của Safe School Analytics (Israel) trình bày mô hình và sáng kiến của Israel trong lĩnh vực chống bắt nạt trực tuyến.

Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Lưu Quang Tuấn cũng khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trên môi trường mạng. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN xây dựng và trình các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua các Tuyên bố quan trọng trong lĩnh vực này, như: Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến năm 2019; Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN lần thứ 38 thông qua vào tháng 10/2021.

Tại Việt Nam, vấn đề bắt nạt trẻ em và phụ nữ trên mạng là một trong những ưu tiên của các bộ, ngành liên quan trong khuôn khổ sáng kiến về chuyển đổi số. Việt Nam cũng đã vào cuộc mạnh mẽ với việc tập trung xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF)… đã chia sẻ thông tin toàn cảnh về tình trạng bắt nạn trên mạng, những tác động đối với trẻ em, thực trạng tại Việt Nam và các chính sách, pháp luật liên quan, các giải pháp chung phòng, chống bắt nạn mạng. Đồng thời, thảo luận và đề xuất khuyến nghị để giải quyết vấn đề bắt nạt trên môi trường mạng trong thời gian tới, trong đó, đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Một nghiên cứu của Microsoft cho thấy, 51% người dùng mạng internet, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh, thiếu niên cho biết: họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt”, 21% người được khảo sát cho biết từng là nạn nhân,và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Thường những trẻ từ 10-14 tuổi sẽ bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất…

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Bảo vệ trẻ em trên mạng là vấn đề cấp thiết, với thực trạng đó, Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6/2021 về Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đã đặt ra “mục tiêu kép”. Theo đó, chương trình hướng tới bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Đồng thời, duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, các ứng dụng của Việt Nam cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hôi thảo.

Nguồn: VN-COP tổng hợp

No Comments

Give a comment