Thế giới đã hiểu nhầm Apple
Giám đốc phần mềm của Apple cho biết tính năng quét iPhone để bảo vệ và chống lạm dụng trẻ em đang bị dư luận và người dùng toàn cầu hiểu sai.
Apple có kế hoạch “quét” hình ảnh bên trong những thiết bị iOS và máy Mac để nhận diện các hình ảnh lạm dụng trẻ em.
Động thái này đã khiến những người quan tâm đến quyền riêng tư và nhà nghiên cứu bảo mật lên án. Họ lo ngại tính năng này của Apple có thể trở thành công cụ để giám sát và kiểm duyệt chính trị.
Đại diện Apple cho rằng đây là những lo ngại vô căn cứ và là hiểu nhầm lớn về mặt công nghệ.
Apple đang bị thế giới hiểu nhầm
Trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, Craig Federighi, người đứng đầu bộ phận phần mềm của Apple, cho rằng những lo ngại của người dùng đến từ việc nội dung của kế hoạch được chia sẻ một cách không rõ ràng khiến công chúng hiểu nhầm.
Ví dụ, Apple sẽ không quét tất cả ảnh trên điện thoại mà chỉ thực hiện với những ảnh được kết nối với hệ thống đồng bộ Thư viện iCloud của người dùng.
Thực tế, Apple không xem từng ảnh trên thiết bị, mà dùng thuật toán để so sánh đoạn mã của bức ảnh với những bức ảnh đã được xác định là lạm dụng trẻ em trước đó. Công ty không dùng con người để xem ảnh trong máy khách hàng, mà để thuật toán tự xem xét, so sánh các đoạn mã với nhau.
Tính năng này hoạt động bằng cách quét ảnh trên các thiết bị Apple, sau đó đối chiếu với kho hình ảnh độc hại, “lạm dụng” trẻ em từ một tổ chức uy tín, chuyên hỗ trợ các vấn đề về trẻ em ở Mỹ.
“Rõ ràng là nhiều thông điệp đã bị xáo trộn và gây hiểu nhầm. Chúng tôi ước rằng điều này được công bố rõ ràng hơn để mọi người có thể hiểu được sự tích cực trong những gì mà Apple đang làm”, Federighi chia sẻ trong cuộc phỏng vấn.
Trong nhiều năm, Apple thể hiện mình như một “pháo đài kiên cố” của quyền riêng tư và bảo mật. Công ty cho biết họ kiếm được nhiều tiền từ việc bán thiết bị cho người dùng chứ không phải bằng quảng cáo.
Hãng cũng thiết lập các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư mà những đối thủ như Google sẽ không làm được. Công ty còn thể hiện quan điểm bằng cách nêu tên những thương hiệu khác trong bài thuyết trình hay quảng cáo của mình.
Nhưng Apple đã bị nghi ngờ khi hãng công bố kế hoạch chống lạm dụng trẻ em.
Mặt khác, các công ty khác như Facebook, Twitter, Microsoft, YouTube cũng quét hình ảnh và video sau khi chúng được đăng tải lên Internet từ nhiều năm trước.
Các tổ chức có thể độc lập kiểm tra Apple nếu nghi ngờ
Apple cho rằng hệ thống của họ bảo vệ người dùng bằng cách quét trên thiết bị mà vẫn được duy trì quyền riêng tư. Hãng lập luận rằng quá trình này diễn ra trực tiếp trên sản phẩm chứ không phải máy chủ Apple. Vì vậy, các nhà nghiên cứu bảo mật và chuyên gia công nghệ có thể kiểm tra cách mà tính năng này hoạt động cũng như có vi phạm quyền riêng tư của người dùng hay không.
“Nếu bạn xem xét bất cứ dịch vụ đám mây nào khác, họ đều quét và phân tích từng bức ảnh sau khi được đăng tải. Chúng tôi muốn phát hiện những bức ảnh như vậy mà không cần xem ảnh của người dùng”, Federighi cho biết.
Giám đốc phần mềm của Apple cũng cho biết hệ thống ngăn chặn việc “lạm quyền” thông qua nhiều cấp độ kiểm tra. Ông tin rằng công cụ này giúp nâng cao các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư hơn là giảm bớt chúng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia bảo mật có thể kiểm tra hoạt động của hệ thống.
Thông qua một mã duy nhất được tạo ra với sự hỗ trợ của hai tổ chức an toàn trẻ em riêng biệt, các chuyên gia có thể xác định bất kỳ thay đổi nào nếu chúng xảy ra. Công ty chia sẻ rằng những tổ chức an toàn trẻ em cũng có thể độc lập kiểm tra hệ thống của Apple.
Ông Federighi cho biết tính năng quét ảnh này không liên quan tới công cụ cảnh báo trẻ em khi chúng gửi hoặc nhận hình ảnh khiêu dâm trong ứng dụng nhắn tin. Trong trường hợp đó, hãng tập trung vào việc giáo dục phụ huynh và con cái chứ không quét hình ảnh.
Apple đã cảnh báo các nhân viên của mình chuẩn bị câu trả lời cho những thắc mắc về tính năng quét ảnh. Trong một bản nhắc nhở của tuần này, hãng cũng cho biết sẽ có một kiểm toán viên độc lập theo dõi hoạt động của hệ thống.
(Theo Zing)
Liên kết mạng xã hội