Báo cáo xâm hại

Việt Nam trong top quốc gia được xếp hạng bậc 1 về an toàn thông tin 2024

Việt Nam trong top quốc gia được xếp hạng bậc 1 về an toàn thông tin 2024

Theo Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) 2024 vừa được Liên minh Viễn thông quốc tế công bố, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia bậc 1, bậc cao nhất trong 5 bậc, là nhóm các quốc gia “làm gương”, thể hiện cam kết mạnh mẽ về an ninh mạng.

Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index – GCI) 2024, được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc công bố ngày 12/9/2024 cho thấy các quốc gia trên toàn cầu đang cải thiện nỗ lực an ninh mạng, nhưng cần có hành động mạnh mẽ hơn để ứng phó với các mối đe dọa mạng đang phát triển.

Việt Nam là 1 trong 46 quốc gia được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của ITU. Ảnh: ITU

GCI 2024 đánh giá các nỗ lực của các nước dựa trên 5 tiêu chí, thể hiện các cam kết an ninh mạng cấp quốc gia: pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, phát triển năng lực và hợp tác. ITU cũng thay đổi cách thức đánh giá nhằm tập trung tốt hơn vào sự tiến bộ của mỗi nước trong các cam kết bảo mật và tác động của nó.

Việt Nam được chấm tổng điểm 99,74 trên 5 tiêu chí. Ảnh: ITU

Việt Nam nằm trong nhóm 1 với tổng điểm 99,74, trong đó bốn tiêu chí đạt tối đa 20 điểm là biện pháp pháp lý, biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và biện pháp phối hợp. Tiêu chí phát triển năng lực đạt 19,74 điểm.

Việc Việt Nam đạt điểm tuyệt đối trong chỉ số GCI là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự tiến bộ, nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc “xây dựng niềm tin trong thế giới số”, đặc biệt là những nỗ lực để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã có những hoạt động tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bằng cách:

Củng cố khung pháp lý: Việt Nam đã không ngừng củng cố khung pháp lý để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hệ thống luật pháp liên quan như: Luật trẻ em, Luật An ninh mạng, Nghị định 56/2017/NĐ-CP,… đã tạo nên một bức tường rào vững chắc, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em.

Tổ chức nhà nước và hợp tác: Bộ Thông tin và truyền thông đã thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Ngoài ra, mạng lưới còn phối hợp liên ngành với các bộ, ngành khác như Bộ Công an, Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)… để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Nâng cao nhận thức cộng đồng: Các chương trình giáo dục về an toàn thông tin giúp trẻ em và phụ huynh trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình trước những hiểm họa trên mạng: Chiến dịch trực tuyến “Think Before You Share” giữa Facebook và VTV, Dự án DKAP, Mạng lưới quốc gia về an toàn trực tuyến cho trẻ em…

Một chỉ số GCI cao chứng tỏ một quốc gia đã nhận thức rõ phần nào về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trước những thách thức của thời đại số. GCI không ngừng thay đổi để thích ứng với các rủi ro, ưu tiên và nguồn lực liên tục biến đổi, cung cấp bức tranh toàn diện nhất về các biện pháp an ninh mạng của mỗi nước.

No Comments

Give a comment