Hội thảo chuyên đề phòng, chống tin độc hại, bóc lột và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng
Ngày 22/03/2024 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Sở LĐ, TB&XH) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tổ chức tầm nhìn thế giới Word Vision tại Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Phòng, chống tin độc hại, bóc lột và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng”.
Tham dự hội thảo có gần 130 đại biểu là đại diện các Sở, ngành, các địa phương và sự tham gia trực tuyến của Phòng Kiểm định Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện các em học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Hội thảo nhằm tập trung đi sâu vào phân tích, làm sáng tỏ bức tranh tổng thể về thực trạng, giải pháp, kết quả công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua; chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ban, ngành, trong việc thực hiện công tác này; đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại đơn vị, địa phương trong thời gian tới. Với tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, hội thảo lần này đã thu hút 12 tham luận của các Sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, đại diện trẻ em về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Phát biểu tại hội thảo Bà Lưu Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH cho biết: Sau đại dịch COVID-19, gần 90% học sinh hiện nay dựa vào internet để học tập. Tuy nhiên, việc trẻ được trang bị những kỹ năng, kiến thức để tham gia an toàn trên môi trường mạng còn chưa nhiều. Nhận thức được vấn đề này, cuộc hội thảo đầu tiên dưới góc nhìn của nguời lớn được tổ chức nhằm hỗ trợ trẻ trong việc thích ứng và tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Để tăng cường trách nhiệm và vai trò của các cấp, các ngành chức năng, đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng và hỗ trợ cho trẻ tương tác an toàn, tích cực và sáng tạo trên môi trường mạng, bà Lưu Thị Bích Ngọc nêu cao vai trò sự hợp tác chặt chẽ giữa các Sở, ngành với Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Bà đề xuất các địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như
– Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
– Phối hợp hiệu quả trong công tác tiếp nhận thông tin, điều tra và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng.
– Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng nên tăng cường kiểm soát nội dung trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cấp để đảm bảo không gây hại cho trẻ em và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
– Cần quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em khi đăng tin, bài viết về trẻ.
Song song đó, các huyện, thị xã và thành phố cần tổ chức tốt chiến dịch truyền thông và xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng an toàn trên môi trường mạng cho trẻ. Cần tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cũng như thúc đẩy các họat động giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ. Đồng thời, cần tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ về việc quản lý nội dung mà trẻ em tiếp cận trên mạng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các nội dung xấu độc hại.
Cuối cùng, các cơ sở giáo dục cần trang bị kiến thức và kỹ năng tự vệ cho trẻ em, giúp trẻ biết cách bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác an toàn, lành mạnh, tích cực trên môi trường mạng, đó chính là cách “tiêm vắc xin phòng virus” dành cho những “công dân số nhí”. Song song đó, tổ chức các sân chơi, cuộc thi, trò chơi, sân khấu hóa hấp dẫn, thú vị, mang tính giáo dục tại nhà trường…
Cũng tại hội thảo Bà Đinh Thị Như Hoa – Trưởng phòng Kiểm định Trung tâm VNCERT/CC đã chia sẻ một số kết quả tiêu biểu triển khai Quyết định 830/QĐ-TTg 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương Trình: “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” như: ra mắt website Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VNCOP) (vn-cop.vn) là nơi tập hợp những thông tin, tài liệu hữu ích trong công tác tuyên truyền bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng dành cho nhiều đối tượng khác nhau như bố mẹ, nhà trường, người làm chuyên trách về bảo vệ trẻ em và chính trẻ; một số công cụ công nghệ hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh sang tạo trên môi trường mạng, công cụ kiểm tra, báo cáo.
Để giúp trẻ tham gia môi trường mạng an toàn, bà Đinh Thị Như Hoa nhấn mạnh quy tắc 4T Tuân thủ – Thận trọng – Thông minh – Tử tế. Cụ thể 4 nguyên tắc đó là:
Tuân thủ: Tuân thủ quy tắc sử dụng Internet của nhà cung cấp dịch vụ và chính gia đình nhà trường đã đặt ra. Tuân thủ pháp luật.
Thông minh: Trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia môi trường mạng thông minh như kỹ năng cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, quản lý mật khẩu để đảm bảo an toàn…
Thận trọng: Nên cẩn trọng với những người bạn trên mạng bởi có thể có người giả danh để tiếp cận bạn, cẩn trọng khi truy cập vào các đường link lạ, cẩn trọng khi gặp những lời mời chào hấp dẫn đến khó tin… để giảm thiểu các rủi ro liên quan tới lừa đảo trực tuyến.
Tử tế: Cư xử văn minh, tử tế trên môi trường mạng, không gửi hoặc phản hồi những tin nhắn có nội dung xấu hoặc có tính xúc phạm người khác. Dũng cảm, lên tiếng, chia sẻ.
Liên kết mạng xã hội