Hội nghị nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 12 – Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Hội nghị nâng cao kỹ năng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” nhằm cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng công nghệ, trải nghiệm, dùng thử các sản phẩm, công nghệ để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các Sở Thông tin truyền thông khu vực phía Nam; đại diện các sở giáo dục; sở lao động thương binh xã hội các tỉnh, thành phố; các tổ chức chính trị xã hội; các tổ chức phi chính phủ; các trường học; các doanh nghiệp.
Không gian mạng, Internet đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em, đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hàng ngày. Việt Nam là đất nước có tỷ lệ người dùng Internet khá lớn, đứng thứ 13 thế giới, chiếm khoảng 73,2% dân số. Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu là trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 03/08/2022 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid vừa qua. Bên cạnh đó Theo công bố của Google về khảo sát ý kiến của cha mẹ về sự an toàn trên mạng, Độ tuổi trung bình của trẻ Việt Nam sở hữu điện thoại di động là 9 trong khi đó độ tuổi trung bình trẻ được trò chuyện về sự an toàn trên mạng là 13, cũng theo báo cáo khảo sát này Một trong những thách thức hàng đầu trong việc giám sát sự an toàn trên mạng của bố mẹ đó là việc tìm các công cụ theo dõi/kiểm soát trẻ sử dụng internet. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc VNCERT/CC: “Việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng sẽ mang lại cho các em rất nhiều lợi ích cho việc học tập, phát triển và hòa nhập với thế giới; nhưng cũng khiến các em phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro, phổ biến như: Tiếp cận với những nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm,…) làm lệch lạch suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; Bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; Bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; Sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; Bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí mại dâm, bị xâm hại tình dục,…”.
Hội nghị nhằm mục đích để các cán bộ địa phương có thể cập nhật tình hình công nghệ hiện tại, nhận thức rõ về thực trạng và định hướng triển khai Chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các cán bộ, mỗi cá nhân chủ động tích cực tận dụng được tối đa khả năng mình có được, để góp phần tạo ra những môi trường an toàn, lạnh mạnh cho trẻ em yên tâm phát triển.
Tại Hội nghị, các chuyên gia thực hiện cung cấp các kinh nghiệm, công nghệ chi tiết, và nhấn mạnh việc cấp thiết trong công tác cập nhật các xu hướng công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay như: Nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em trên nền tảng TikTok; Game online và định hướng phát triển các sản phẩm hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh trên môi trường mạng; Dấu chân kỹ thuật số và hậu quả khôn lường đối với trẻ em; Giải pháp Wifi an toàn, bảo vệ toàn diện các thiết bị trong gia đình; Bảo vệ thiết bị đầu cuối, điểm chặn quan trọng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Các đại biểu chủ chốt Thảo luận về thực trạng, thách thức và các giải pháp định hướng hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Trao đổi kỹ hơn về kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng năm vừa qua, đốc rút kinh nghiệm trong việc triển khai, xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm tới.
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu mong rằng sắp tới các Bộ, ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ sẽ tích cực nhân rộng, triển khai, lan tỏa nhiều hơn nữa các hoạt động về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam, bám sát tinh thần công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, của toàn xã hội.
Nguồn: VN-COP
Liên kết mạng xã hội