Báo cáo xâm hại

Ứng dụng hỗ trợ phụ huynh dạy trẻ rối loạn phát triển tại nhà

Ứng dụng hỗ trợ phụ huynh dạy trẻ rối loạn phát triển tại nhà

Ứng dụng hỗ trợ phụ huynh dạy trẻ rối loạn phát triển tại nhà

Công nghệ trở thành công cụ hữu ích trong việc kết nối tri thức, hỗ trợ cha mẹ trẻ rối loạn phát triển chăm dạy con tại nhà.

Khi trẻ không thể đến trường vì Covid 19, ưu tiên hàng đầu của phụ huynh là duy trì sự tiến bộ đều đặn cho con, ngay cả khi không có sự can thiệp của giáo viên. Với cha mẹ trẻ rối loạn phát triển, mỗi giây phút ở bên con để uốn nắn, dạy dỗ đều quý giá và cần thiết.

Loay hoay chăm con mùa dịch

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, trường học đóng cửa, trẻ rối loạn phát triển cũng chịu ảnh hưởng nhiều. Các em khó khăn hơn trong kiểm soát hành vi và cảm xúc khi không có thầy cô, bạn bè quen thuộc bên cạnh. Lúc này, cha mẹ phải đóng một lúc nhiều vai, vừa đi làm, chăm con, nội trợ, vừa là “chuyên gia bất đắc dĩ” để duy trì quá trình can thiệp đang dang dở cho con. Đó là những gì đang diễn ra trong gia đình chị Ngọc Hương (Quảng Nam), có con gái 5 tuổi bị rối loạn phổ tự kỷ.

“Tôi bắt chước thầy cô, rủ con chơi trò chơi như ở lớp nhưng con không tập trung, mà mẹ thì còn nhiều việc khác đang chờ. Mười phút để con hoạt động hiệu quả mỗi ngày vẫn chỉ là mơ ước”, chị Hương bộc bạc.

Theo ThS. Hồ Thị Huyền Thương (Phân tích hành vi ứng dụng, Giám đốc chuyên môn của Công ty truyền thông và đào tạo MOSAIC) cho biết, với các gia đình mới phát hiện con rối loạn phát triển, chưa có lộ trình can thiệp cụ thể lại càng khó khăn hơn.

Mỗi ngày, thạc sĩ này nhận được hàng loạt câu hỏi: phải bắt đầu từ đâu, phương pháp, lộ trình ra sao, những công cụ gì, nên dùng thuốc hay không… từ hàng nghìn phụ huynh có con rối loạn phát triển.

“Giữa sự loay hoay đó, không ít phụ huynh đã chùn bước, hụt hẫng mỗi khi gặp ánh mắt ái ngại của những người xung quanh”, bà Huyền Thương chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn tin chính thống, không có tài liệu tham khảo, công cụ phù hợp, tài chính eo hẹp, thời gian có hạn và ít sự đồng cảm… cũng là những trở ngại của cha mẹ có con rối loạn phát triển khi phải tự chăm sóc và dạy dỗ trẻ trong giãn cách xã hội.

Đồng hành cùng con nhờ ứng dụng công nghệ

Nhằm đồng hành cùng phụ huynh trên chặng đường chăm sóc trẻ rối loạn phát triển, dự án “Chăm sóc thông minh cho trẻ” A365 đã ra mắt ứng dụng (app) trên điện thoại, cung cấp thông tin tin cậy, giúp cha mẹ cùng con phát triển.

Chị Ngọc Linh (Hà Nội) cho biết, sau 6 tháng dùng ứng dụng để dạy và chăm sóc con gái tự kỷ, chị nhận thấy các thông tin, kiến thức trong app đều có cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý rõ ràng. Ứng dụng được cung cấp miễn phí, mở rộng phạm vi tiếp cận cho mọi đối tượng, kể cả khu vực có ít thông tin và dịch vụ cho trẻ tự kỷ.

“Tôi cũng thường tham khảo các video trong ứng dụng để hỗ trợ con gái từ khi bé chưa nói được, rối loạn giác quan, chú ý chung kém. Hiện giờ, con đã biết chia sẻ, nói câu đơn giản và chú ý hơn”, chị Ngọc Linh tâm sự.

App A365 còn mang đến sự tiện lợi cho người dùng khi đăng nhập nhanh, truy cập được mọi lúc mọi nơi. Anh Nguyên Văn Thủ (Hà Nội) cho hay, anh đã dùng app để theo dõi sự phát triển của con gái theo độ tuổi và tạo ra nhiều hoạt động vui vẻ cùng con. App có hệ thống gần 300 video hướng dẫn cách chơi với con, sinh động, dễ hiểu, dễ thực hành.

Theo đại diện A365, ứng dụng có dung lượng nhỏ, không chiếm nhiều bộ nhớ điện thoại, không có quảng cáo gây nhiễu và khả năng lưu trữ thông tin với độ bảo mật cao, là trợ thủ đắc lực cho cha mẹ để cùng con rèn luyện các kỹ năng một cách bài bản và liên tục. App A365 là một kênh mới nhằm giúp mở rộng hệ thống chăm sóc trẻ thông minh của A365.

Cô Trịnh Thị Quỳnh Liên (Trung tâm giáo dục hòa nhập Gia An, Hà Nội) nhiều năm tham gia hỗ trợ can thiệp cho trẻ tự kỷ đánh giá cao ứng dụng nhờ ưu điểm nhanh chóng, tiện dụng, tiết kiệm và kết nối hiệu quả.

“Cùng với các nền tảng khác trong hệ sinh thái chăm sóc trẻ thông minh, App A365 như một lời động viên dành cho cha mẹ trẻ đặc biệt, giúp họ không cảm thấy đơn độc vì luôn có đội ngũ chuyên gia, giáo viên và cộng đồng phụ huynh sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ”, đại diện A365 cho biết thêm.

(Theo Vnexpress)

No Comments

Give a comment