Báo cáo xâm hại

Tọa đàm Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Tọa đàm Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

TỌA ĐÀM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Từ thực tế đó, ngày 28 tháng 4 năm 2023, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) – cùng những đơn vị và tổ chức tiên phong trong công tác bảo vệ trẻ em tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi những vấn đề cấp thiết liên quan đến thực trạng tồn tại trong hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến công tác trẻ em trên môi trường mạng hiện nay.

Phát biểu tại khai mạc, Ông Lê Thanh Kim, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, nhấn mạnh:“Hiện tại các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta hiện còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu các cách thức nhận dạng, cảnh báo cho trẻ em về những rủi ro, hệ lụy, hệ quả khi tham gia mạng xã hội.”

Bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại tọa đàm, Bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định: “Việc thực hiện triệt để chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay đã rất cấp thiết chứ không chỉ là cần thiết. Và việc thực hiện trong chăm sóc trẻ em và bảo vệ trẻ em không những Đảng, Nhà nước mà toàn xã hội chúng ta đều phải quan tâm.”

Hiện trạng hệ thống pháp luật Việt Nam

Theo thống kê, trong 2 năm gần đây, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 luật, ban hành 12 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, 2 chỉ thị, 15 quyết định, 1 công điện liên quan đến quyền trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Thực tế, ở hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định pháp lý để góp phần bảo vệ an toàn trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một chương trình về hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025), chương trình là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo. 

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận xét: “Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được bao quát khá toàn diện các nội dung, các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Có thể thấy rằng, ở nhiều cấp độ khác nhau đều đã có văn bản được ban hành”. Tuy vậy, với sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực viễn thông cũng như công nghệ thông tin truyền thông, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các nội dung các văn bản cần phải liên tục được điều chỉnh, chỉnh lý để cập nhật những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, từ đó đáp ứng được nhu cầu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện nay.

Ngoài ra, Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng bổ sung thêm vấn đề rât đáng lưu ý khác là: “Phải quy định trách nhiệm, và tương ứng với các hành vi vi phạm còn quy định các biện pháp xử lý khi có hành vi vi phạm đó. Ví dụ như ở mức độ nào thì xử lý hành chính, ở mức độ nào xử lý hình sự. Khi quy định được cụ thể các hành vi, nhận diện được cụ thể các hành vi vi phạm, chúng ta mới quy định được một mức xử phạt mà khi áp dụng trên thực tế có đủ mức độ răn đe, cảnh báo cho hành vi vi phạm tiếp theo.”

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em

Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam đưa ra việc UNICEF cũng đã gióng lên cảnh báo nguy cơ về những vấn đề liên quan đến tác động của trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT đối với trẻ em, và việc bảo vệ trẻ em ở trên môi trường mạng.  

Theo ông Đặng Hoa Nam, trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, chúng ta cần chú ý 4 quan điểm và cách tiếp cận: Thứ nhất là các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng thì phải có những chế tài ngăn chặn, xử lý tương ứng với những hành vi ở trong đời thực; chú ý việc đánh giá hậu quả của nó tác động đến đối tượng trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần. Thứ hai là tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng, phòng, chống xâm hại trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường ở trong đời thực như thế nào thì tương ứng như vậy ở trên môi trường mạng. Thứ ba, chúng ta phải tăng nặng, dùng những chế tài và xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Thứ tư, chúng ta cần phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và thu lợi từ môi trường mạng.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam

Cụ thể hơn, trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạngNghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra những ý kiến cụ thể về việc nội dung mới sẽ có việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bảo vệ thanh, thiếu niên trên môi trường mạng, đây sẽ là một trong những biện pháp quản lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của internet cũng như để quản lý Internet một cách hiệu quả.

Tổng kết lại Tọa đàm, dưới góc độ của từng cơ quan, các đại biểu có thống nhất chung trong việc Việt Nam đã có những nỗ lực về không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách để tăng cường việc bảo vệ trẻ em ở trên môi trường mạng. Song, cũng gặp thách thức rất là lớn, đó là cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, công nghệ internet, môi trường mạng nói riêng đang phát triển rất là nhanh, gây áp lực cho những người hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật.

Và vì vậy, vai trò của gia đình, cha mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân./.

(Nguồn: VN-COP tổng hợp)

28/04/2023

No Comments

Give a comment