Báo cáo xâm hại

Nguy hại khi trẻ học cách ứng xử từ bắt chước thói xấu trên mạng xã hội

Nguy hại khi trẻ học cách ứng xử từ bắt chước thói xấu trên mạng xã hội

Nguy hại khi trẻ học cách ứng xử từ bắt chước thói xấu trên mạng xã hội

“Trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước. Ý thức của các em cũng chưa đủ phát triển phân biệt được lời nói đùa, không thể hiểu theo cách nói ẩn ý của người lớn”.

Không gian mạng dần dần không còn “ảo” nữa khi nhà nhà, người người đang dành rất nhiều thời gian cho mạng. Lẽ tất yếu, không gian mạng giờ không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng đang bị ô nhiễm bởi tràn ngập những hành động bêu riếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả ăn cắp, lừa đảo lẫn nhau…

Mọi thứ “lệch chuẩn” đó còn dễ dàng phát tán trên không gian mạng hơn bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết “cuộc sống” còn khá mới này.

Báo VietNamNet triển khai loạt bài “Dọn sạch không gian mạng” với mong muốn nêu ra thực trạng đau lòng về sự ô nhiễm của cuộc sống mạng, tìm ra nguyên nhân lý giải và nhất là gợi mở cách thức để quản lý cũng như kêu gọi mọi người chung tay xây dựng một không gian mạng sạch sẽ, văn minh và lành mạnh để mỗi chúng ta và con em mình đều được “sống đẹp” dù ở bất cứ đâu, trên mạng hay trong đời thật. 

Từ khi 2 đứa con được nghỉ hè, chị Phạm Thu Hà (Hà Đông, Hà Nội) lo ngay ngáy vì không biết bày trò gì cho chúng chơi cả ngày để bớt xem tivi, điện thoại.

Chị mua về đủ các loại đồ chơi giáo dục, sách truyện nhưng vẫn không thể tránh khỏi những lúc phải “dí” cho con chiếc điện thoại. Tất nhiên, chị chỉ cho phép con xem những chương trình mà chị cho là bổ ích, phù hợp với trẻ con.

Nhưng một hôm khi đang hì hụi trong bếp, chị nghe cậu con trai 7 tuổi đọc oang oang mấy câu quảng cáo thuốc tăng cường sinh lực cho đàn ông với những ngôn từ khơi gợi rất phản cảm. Hỏi ra mới biết cu cậu xem được đoạn quảng cáo đó trên YouTube, được chèn vào giữa những bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Đặng Thị Trinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ lo lắng trên một group phụ huynh, rằng cậu con trai 10 tuổi bắt đầu có những dấu hiệu bắt chước những câu từ vô nghĩa, thậm chí là những trò đùa gây nguy hiểm của các YouTuber, TikToker trên mạng.

Có thể nói, câu chuyện của 2 bà mẹ này cũng là nỗi lo chung của các ông bố, bà mẹ thời hiện đại khi mà mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến và hấp dẫn mọi lứa tuổi.

Tháng 1/2020, nhiều bậc phụ huynh đã tỏ ra bức xúc với một kênh YouTube chuyên đăng tải các video có tiêu đề dễ gây hiểu lầm cho trẻ nhỏ như: Ăn bột giặt, ăn xương rồng, uống sữa tắm hay nước rửa bát…

Vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây nhất là YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải một video với nội dung “xin vía” để học giỏi. Tuy nhiên, do vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội, trang TikTok này sau đó đã ẩn phần lớn các video đã đăng và lên tiếng xin lỗi, đóng cửa kênh.

Đáng lo ngại hơn cả là khi video này bị chỉ trích gay gắt, người ta mới chú ý đến những video khác trước đó của Thơ Nguyễn cũng có nội dung phản giáo dục không kém, ví dụ như: Làm bồn tắm thạch khổng lồ với những tiếng kêu rên phản cảm; clip bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung; nấu bia, nước ngọt trên bếp…

Hình ảnh YouTuber Thơ Nguyễn trong video “cầu vía học giỏi” với búp bê. (Ảnh cắt từ video)

Nếu như kênh của Thơ Nguyễn đã được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời thì trước đó, đã có không ít trường hợp đau lòng xảy ra với trẻ em chỉ vì chúng bắt chước những hướng dẫn nhảm nhí, nguy hại trên các trang mạng xã hội.

Tháng 1/2020, bệnh nhân N.H.Đ.D (15 tuổi, ở Hải Dương) đã phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ làm pháo. N.H.Đ.D được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng rất nặng, với đa chấn thương: dập nát cẳng bàn tay phải, vết thương cẳng tay trái, đứt gân duỗi cổ tay quay và đa vết thương phần mềm cẳng chân hai bên.

Người nhà của bệnh nhân D. cho hay, em đã xem cách chế thuốc nổ trên YouTube sau đó lên mạng tìm mua thuốc nổ, lưu huỳnh về làm theo. Quá trình nghiền thuốc bị phát nổ bất ngờ, D. bị chấn thương nghiêm trọng.

Tháng 10/2020, nguyên nhân khiến bé gái tên là V.T.D (5 tuổi) tử vong cũng khiến dư luận bàng hoàng. Vào thời điểm xảy ra sự việc, D. vừa xem xong một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng. Tò mò, D. đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé D. đã ở trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các nền tảng công nghệ, trẻ em đang có cơ hội tiếp cận với Internet, với không gian mạng dễ dàng hơn bao giờ hết. Theo khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet; trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, tác động của những nội dung phản cảm trên Youtube hay các nền tảng mạng xã hội khác với trẻ em đã từng được đề cập đến rất nhiều trước đây.  

“Trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước. Ý thức của các em cũng chưa đủ phát triển phân biệt được lời nói đùa, không thể hiểu theo cách nói ẩn ý của người lớn nên các em dễ tin vào những gì nghe thấy, nhìn thấy.

Trẻ hành động theo cảm xúc nhiều hơn nên tất cả những gì người lớn nói các em đều nghe và tin hết. Đầu óc của trẻ cũng như tờ giấy thấm, thẩm thấu tất cả những gì diễn ra trong môi trường xung quanh. Đó là lý do tại sao tất cả các nội dung hướng đến trẻ em mới phải bị kiểm duyệt gắt gao như vậy và công tác bảo vệ trẻ em đang phải tìm mọi chiến lược để bảo vệ trẻ em khỏi các trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực gây lo lắng, sợ hãi”.

Theo vietnamnet.vn

No Comments

Give a comment