Quyết liệt ngăn chặn xâm hại trẻ em
Chiều 19-3, UBND TP HCM tổng kết 12 chương trình, đề án, kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn TP.
Báo cáo kết quả thực hiện trong gần 10 năm qua, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Trần Ngọc Sơn cho biết trên địa bàn TP có hơn 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tổng số hơn 2 triệu trẻ em. Trong đó, có hơn 2.300 trẻ em được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, gần 9.600 trẻ em tại cộng đồng; khoảng 34.200 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Để chăm lo cho trẻ em, TP đã xây dựng nhiều cơ sở vật chất, trường lớp, bệnh viện, cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em với 11 công trình cấp TP, 22 phòng chiếu phim 3D… TP cũng thành lập và đưa vào hoạt động khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua 12 đề án, dự án, chương trình mà TP triển khai, đã có 11.936 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng lợi. Tuy nhiên, ông Sơn cho hay TP đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với áp lực gia tăng dân số cùng những tác động về mặt xã hội.
Thượng tá Ngô Xuân Thọ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP, thông tin trong giai đoạn từ năm 2012-2020, Công an TP ghi nhận 790 vụ án về xâm hại trẻ em, trong đó có 732 vụ hiếp dâm, giao cấu và dâm ô trẻ em. Phòng trọ, nhà riêng là địa bàn diễn ra nhiều vụ xâm hại nhất với 441 vụ; các khu vực vắng người, ngoại thành 22 vụ; trường học 18 vụ; nơi công cộng như công viên, bãi xe là 61 vụ; khách sạn, nhà nghỉ là 277 vụ; cá biệt có 1 vụ xảy ra tại trung tâm bảo trợ xã hội. Theo địa giới hành chính thì số vụ xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nhất tại huyện Củ Chi với 117 vụ, quận 9 với 109 vụ, huyện Bình Chánh với 98 vụ…
Về mối quan hệ giữa đối tượng và bị hại, chủ yếu là hàng xóm, quen biết với gia đình bị hại (350 vụ, chiếm hơn 44%), quan hệ tình cảm nam nữ (331 vụ, gần 42%), không có quan hệ với bị hại (83 vụ, 10,50%)…
Thượng tá Thọ cho biết quá trình điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em có một số khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là người bị hại và gia đình người bị hại thường không hợp tác với cơ quan điều tra bởi người bị hại thường có tâm lý e dè, lo sợ. Bị hại trong các vụ xâm hại thường là các em nhỏ, chưa có khả năng nhận thức được sự việc đã xảy ra, không nhớ thời gian, địa điểm xảy ra. Do sợ ảnh hưởng đến tâm lý bị hại, danh dự gia đình và việc học hành của các cháu nên sau khi đã tố cáo, có nhiều trường hợp gia đình lại rút đơn, không đưa các cháu đi giám định pháp y về tình dục, bị hại cũng nhất định không đi giám định, thậm chí thay đổi nơi cư trú. “Người thực hiện hành vi xâm hại đa số là người thân quen với gia đình bị hại nên không ai đứng ra tố giác hoặc chậm trễ trong việc tố giác. Hơn nữa, việc thu thập chứng cứ cũng gặp rất nhiều khó khăn do đã bị xóa dấu vết, tiêu hủy” – thượng tá Thọ nói.
Vào cuộc, xử lý nhanh
Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP nghiên cứu, tham mưu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục là các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học trên địa bàn TP, kể cả các trung tâm, các cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dạy trẻ thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Đồng thời tổ chức tập huấn các kỹ năng cơ bản cho cán bộ thực thi quyền trẻ em ở cấp cơ sở để khi có vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra thì biết cần làm những việc gì, bảo vệ hiện trường ban đầu ra sao, là vụ việc dân sự, hành chính hay có dấu hiệu của tội phạm hình sự và cần liên hệ đến cơ quan nào.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhắc lại thực tế hầu hết vụ bạo lực, xâm hại trẻ em thường diễn ra ngay trong hộ gia đình, nơi nuôi dưỡng, thậm chí do người trực tiếp nuôi dưỡng xâm phạm. “Đây là điều rất đau xót cần phải lên án. TP phải tăng cường tuyên truyền, vận động để giảm bớt nguy cơ cho trẻ em” – ông Võ Văn Hoan nói và nhìn nhận một trẻ bị xâm hại cũng là nỗi đau của cả TP. Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng các cơ quan, đơn vị cần hành động quyết liệt hơn trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, dứt khoát không để trẻ em mất đi tuổi thơ.
Ông Võ Văn Hoan yêu cầu tiếp tục duy trì 12 chương trình bảo vệ trẻ em và bổ sung hàng loạt quy trình cần thiết để bảo vệ trẻ em, cũng như xử lý các trường hợp xâm hại trẻ em. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao TP sớm trình UBND TP tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc. Các sở, ngành phối hợp, lập quy trình xử lý cụ thể từng hành vi vi phạm với yêu cầu đặt ra là phải phản ứng nhanh, vào cuộc nhanh, xử lý nhanh. Đồng thời thiết lập đường dây nóng tiếp nhận tất cả phản ánh về hành vi xâm hại trẻ em và nhanh chóng kết nối, thông báo tới chính quyền địa phương để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, sớm kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng chặt chẽ hơn, có mức xử phạt hành chính thật nặng và xử lý hình sự tương xứng; có biện pháp cách ly đối tượng xâm hại trẻ em, buộc đối tượng không được tiếp xúc với trẻ em.
Riêng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu mô hình truyền thông nhằm huy động được nam giới và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn quan tâm tới công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phó Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo ngành công an tập trung xử lý các vụ án xâm hại trẻ em một cách nhanh chóng. Chọn một số vụ án điểm, cách tuyên truyền cũng phải khôn khéo, không khai thác sâu vào trẻ em bị xâm hại nhưng phải nêu thẳng tên người vi phạm.
“Hiện đội ngũ điều tra bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em còn thiếu và yếu. Đặc biệt là thiếu điều tra viên nữ. 2020 là năm có số lượng cán bộ, điều tra viên nữ cao nhất trong 10 năm qua nhưng cũng chỉ chiếm 6,29% tổng lực lượng điều tra toàn TP” – thượng tá Ngô Xuân Thọ cho biết.
Nguồn: Theo Báo Người Lao Động
Liên kết mạng xã hội