Cách ứng xử hợp lý khi phát hiện trẻ trộm cắp
Theo chuyên gia tâm lý, việc đánh đập và công khai hình ảnh trên mạng xã hội có thể làm tổn thương nghiêm trọng trẻ về mặt thể chất và tinh thần.
Mới đây, vụ việc nữ sinh 17 tuổi ở Thanh Hóa bị chủ shop Mai Hường đánh đập, làm nhục và phát tán clip trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc. Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vợ chồng chủ shop này.
Ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhấn mạnh từ vụ việc này, hành động hợp tình, hợp lý của người lớn khi phát hiện trẻ nhỏ hoặc vị thành niên trộm cắp rất quan trọng.
Mối nguy hại khi trẻ bị hành hạ, nhục mạ
Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, dù có những dấu hiệu cho thấy trẻ là người trộm cắp, việc kết luận, xử lý và khắc phục hậu quả cần phải có vai trò của pháp luật.
Việc đánh đập, sỉ nhục và công khai hình ảnh trên mạng xã hội có thể làm tổn thương nghiêm trọng đứa trẻ về mặt thể chất, tinh thần.
Theo học thuyết phát triển tâm lý xã hội của nhà tâm lý học Erik Erikson, tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ đang xác định căn tính, xây dựng hình ảnh bản thân. Trẻ rất chú trọng cách mọi người xung quanh nhìn nhận và đánh giá về mình.
Nếu bị công khai các hình ảnh tiêu cực của bản thân, trẻ có nguy cơ gặp khó khăn về tiến trình phát triển tâm lý.
“Dư luận và những định kiến của người thân, bạn bè, hàng xóm sẽ làm trẻ đau khổ và thất bại khi phải xác định ‘tôi là người như thế nào?’. Qua một thời gian, vết thương thể chất có thể lành nhưng sang chấn tâm lý đôi khi sẽ theo đứa trẻ đó trong suốt cuộc đời”, ông Thiện nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng hành động trộm cắp ở trẻ nhỏ, vị thành niên có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Trẻ có thể bị ảnh hưởng từ việc bắt chước các hành vi không lành mạnh đã quan sát được nơi ai đó. Tùy vào độ tuổi và mức độ phát triển nhận thức, một đứa trẻ sẽ có những thái độ và quyết định hành xử khác nhau.
Theo nhà tâm lý Jean Piaget (Thụy Sĩ), trẻ con ban đầu tự cho mình là trung tâm của thế giới nên luôn muốn có mọi thứ mình muốn. Lúc này, cha mẹ cần đưa ra các quy tắc, luật lệ để hướng dẫn hành vi của trẻ.
Khi trẻ phát triển lớn hơn, các quy định bên ngoại dần nội hóa và trở thành nguyên tắc của bản thân để tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Ngoài ra, một ít số người mắc chứng ăn cắp vặt (Kleptomania). Đây là bệnh lý khiến người mắc luôn có thôi thúc phải đi ăn trộm những thứ mình không cần sử dụng hoặc ít có giá trị cao.
Họ thường giả làm khách hàng để trộm cắp ở các cửa tiệm, siêu thị. Họ sẽ có cảm giác vui thích, nhẹ nhõm nếu vụ trộm trót lọt. Tuy nhiên, đi kèm theo lại là cảm giác tội lỗi, mặc cảm, xấu hổ về bản thân và lo sợ bị bắt sau khi trộm cắp.
Đây là một rối loạn tâm thần gây đau khổ cho chính bản thân người mắc và cần được điều trị bởi các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý.
Cách ứng xử hợp lý khi phát hiện trẻ trộm cắp
Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, khi phát hiện trẻ trộm cắp, trước tiên, cần tuân thủ các quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi này.
“Ở góc độ tâm lý, chúng ta hiểu rằng khi một người bị mất tài sản, bị lừa dối thì rất dễ có cảm xúc tức giận và xu hướng đòi lại công bằng cho bản thân. Tuy nhiên, cần xem xét sự việc một cách toàn diện, khách quan để tránh những hiểu lầm, ngộ nhận và các hành vi gây tổn thương đến cơ thể, sức khỏe, danh dự người khác trái pháp luật”, chuyên gia này nói thêm.
Nhìn theo lý thuyết học tập xã hội của nhà tâm lý Albert Bandura, hầu hết hành vi con người đều được học thông qua bắt chước.
Môi trường sống xung quanh như gia đình, nhà trường, bạn bè, truyền thông, xã hội, có tác động qua lại với hành vi của con người. Từ đó, có thể đặt giả thuyết hành vi trộm cắp ở một đứa trẻ có thể đến từ sự chú ý quan sát, ghi nhớ, gợi lại trong tâm trí và bắt chước làm theo một hình mẫu nào đó.
Vì thế, ngoài việc nhắc nhở, kỷ luật trẻ, người lớn cũng cần xem xét lại có hình mẫu nào chưa tốt, chưa phù hợp đã được trẻ tiếp thu. Từ đó, phụ huynh có thể giải thích và định hướng giúp trẻ phân định và chọn lựa những hành động phù hợp.
“Khi giáo dục trẻ em, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cấm đoán, dùng hình phạt để tạo ra một thế hệ vâng lời trong sợ hãi. Cách thức này nguy hại ở chỗ khi không có hệ thống giám sát, các em dễ ‘vượt rào’ làm điều sai trái. Phụ huynh và nhà trường phải hướng đến việc giúp trẻ em trưởng thành để tự giác và tự do làm điều mình nhận thức là tốt”, chuyên gia tâm lý chia sẻ.
(Theo Zingnews)
Liên kết mạng xã hội