13 hình thức lừa đảo trực tuyến tập trung tấn công giới trẻ, cần làm gì để bảo vệ bản thân?
Lừa đảo không chừa một ai, với tất cả người dân sử dụng Internet nhưng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng được “focus”. Trong “Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, Bộ Thông tin và Truyền thông có đề cập đến 13 hình thức lừa đảo với học sinh, sinh viên Việt Nam.
Trên không gian thực hay không gian mạng, mọi hoạt động đều tác động trực tiếp đến con người. Môi trường ảo nhưng tác động, hiệu quả, hậu quả đều là thật. Tọa đàm An toàn không gian mạng cho sinh viên do Báo Tiền Phong, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Anh quốc Việt Nam tổ chức với mong muốn mang đến một góc nhìn nhỏ trong bối cảnh đời sống của người trẻ trong môi trường ảo ngày càng phong phú, phức tạp.
Khách mời, diễn giả của chương trình gồm: PGS. TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; bà Đinh Như Hoa, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Nguyễn Nhất Linh, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, T.Ư Đoàn; TS Hamza Mutaher, chuyên gia đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam. Đặc biệt là với sự tham gia của diễn viên Thu Quỳnh (phim Quỳnh Búp Bê, Về nhà đi con…).
Theo bà Đinh Như Hoa đến từ Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, lừa đảo không chừa một ai, với tất cả người dân sử dụng Internet nhưng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh bị đặc biệt nhắm đến.
Trong Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến được Bộ Thông tin và Truyền thông phổ biến rộng rãi thì có đề cập đến 13 hình thức lừa đảo với học sinh, sinh viên Việt Nam.
Trong 13 hình thức đó thì đầu tiên có thể kể đến là lừa đảo combo du lịch giá rẻ, lừa đảo cuộc gọi, có cuộc gọi xưng hẳn là của Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung như: Thuê bao của quý vị có thể bị khóa trong 2h tiếp theo. Nhiều đối tượng quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen… hoặc thậm chí có hiện tượng giả mạo các ngân hàng, thông báo tài khoản của bạn có đang giao dịch ở nước ngoài, để phòng tránh các rủi ro phải click vào một đường link mà thực chất là thủ đoạn ăn cắp thông tin cá nhân và/hoặc tiền.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được phản ánh có rất nhiều cuộc gọi mời tham gia click vào các trang thương mại điện tử mua sắm như Shopee hay Lazada. Khi thực hiện các hành động mua hàng thì sẽ được trả lại các khoản phí và các đối tượng sẽ trả phí rất đúng vào lần đầu. Nhưng sau khi người dân hay các bạn sinh viên tin tưởng làm theo thì sẽ bị yêu cầu thực hiện giao dịch to hơn có giá trị từ hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng. Sau đó người dân cũng như các bạn sinh viên sẽ bị đẩy khỏi nhóm và mất toàn bộ số tiền.
24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam và 13 hình thức lừa đảo sinh viên đã được chuyển thành cẩm nang phòng chống lừa đảo trực tuyến hay các Infographic, được các báo và trang mạng cập nhật trên mạng xã hội để mọi người được biết.
Vừa qua, Cục An toàn thông tin đã đúc kết một số nguyên tắc tham gia môi trường mạng an toàn qua 1 video nguyên tắc 4T Tuân thủ – Thận trọng – Thông minh – Tử tế. Cụ thể, 4 nguyên tắc để tham gia môi trường mạng an toàn là:
Tuân thủ: Tuân thủ quy tắc sử dụng Internet của nhà cung cấp dịch vụ và chính gia đình nhà trường đã đặt ra. Tuân thủ pháp luật.
Thông minh: Trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia môi trường mạng thông minh như kỹ năng cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, quản lý mật khẩu để đảm bảo an toàn…
Thận trọng: Nên cẩn trọng với những người bạn trên mạng bởi có thể có người giả danh để tiếp cận bạn, cẩn trọng khi truy cập vào các đường link lạ, cẩn trọng khi gặp những lời mời chào hấp dẫn đến khó tin… để giảm thiểu các rủi ro liên quan tới lừa đảo trực tuyến.
Tử tế: Cư xử văn minh, tử tế trên môi trường mạng, không gửi hoặc phản hồi những tin nhắn có nội dung xấu hoặc có tính xúc phạm người khác. Dũng cảm, lên tiếng, chia sẻ.
Tham dự toạ đàm, sinh viên Lê Bảo Ngọc Minh đến từ Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho hay, sinh viên thường gặp 3 loại rắc rối, nguy hiểm khi tham gia môi trường số. Đó là cuộc gọi rác, ăn cắp thông tin hoặc tạo tài khoản fake trên mạng xã hội và tin nhắn cá nhân công kích, bình luận ảnh hưởng đến tâm lí của sinh viên.
Trong 3 hình thức này, khó giải quyết nhất đối với sinh viên chính là những tin nhắn công kích cá nhân. Vì Ngọc Minh cho rằng có những tin nhắn riêng tư, bản thân Minh và các bạn cũng chưa biết sẽ phải mở lòng với cha mẹ thế nào.
Ngoài ra, Ngọc Minh chia sẻ hồi còn học THPT, Minh và nhóm bạn nữ trong lớp có tài khoản trên nền tảng Instagram, Minh và các bạn bị một tài khoản ẩn danh bình luận tiêu cực về trang phục mặc hằng ngày. Ngọc Minh có báo với cô chủ nhiệm nhưng cô không sử dụng nền tảng này nên không biết hướng xử lý như thế nào. Từ đó, Ngọc Minh và các bạn chuyển tài khoản sang trạng thái riêng tư, không dám công khai nữa vì lo sợ bị tấn công cá nhân.
TS Hamza Mutaher, chuyên gia đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) chia sẻ: “Tôi có một số phương pháp giúp đỡ sinh viên chống lại các mối nguy tiềm ẩn trong môi trường không gian mạng. Đầu tiên, khi nhận được những tin nhắn rác, quấy rối, sinh viên cần chụp màn hình những cuộc hội thoại mà họ cảm thấy ảnh hưởng đến mình.
Tiếp theo là block tài khoản đó, rồi nói với những người mình có thể tin tưởng để nhận được sự hỗ trợ. Theo ý kiến của tôi, sinh viên, giới trẻ phải hiểu không cần thiết chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội, phải biết chọn lọc thông tin nên công khai và không nên.
Tôi khuyến khích sinh viên tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà trường, thầy cô, gia đình và bạn bè để có thể ổn định tâm lý và có được giải pháp hiệu quả nhất. Đối với trường hợp nghiêm trọng, sinh viên cần báo cáo cho cơ quan chức năng để được giúp đỡ, giải quyết vấn đề kịp thời
Mỗi cá nhân khi chia sẻ thông tin phải suy nghĩ thật kỹ để xem thông tin đó có dễ hiểu, đáng tin cậy hay không, tránh tình trạng tiếp tay cho việc lan truyền thông tin giả, độc hại.
Ngoài ra, mỗi cá nhân phải kiên định với giá trị thật, tin tưởng vào bản thân và chọn lọc những thông tin tiếp nhận. Một điều cần thiết khác là phải có sự kết hợp trường đại học với nhà nước, các tổ chức khác để giao tiếp, phổ biến đến sinh viên các phương pháp bảo vệ bản thân trước các mối nguy trên mạng xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức của sinh viên.
Chúng tôi cũng kêu gọi phụ huynh quan tâm nhiều hơn đời sống, tâm sinh lý của con cái để phát hiện vấn đề kịp thời, từ đó có những giải pháp tốt nhất hỗ trợ các con.
Tôi cũng có một số lời khuyên về mặt kỹ thuật để sinh viên tự bảo vệ mình như thay đổi mật khẩu thường xuyên, cập nhật các phần mềm trên thiết bị mình sử dụng thường xuyên, đọc kỹ bộ quy tắc trên các trang web trước khi sử dụng…”
Liên kết mạng xã hội