Hội thảo: “Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học”
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2023, Hội thảo: “Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học” đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia – NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Tham dự hội thảo có ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững và đại diện Ban Giám hiệu các nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho biết Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp. Điều này là tất yếu. Chúng ta có thể cảm nhận được thông qua những thay đổi tích cực trong thời gian qua.
“Không gian mạng giờ đây là ngôi nhà chung của chúng ta. Giống như môi trường thực, không gian mạng cũng cần có bầu trời quang đãng và không khí trong lành, có hệ sinh thái tốt và một cơ sở hạ tầng chất lượng phục vụ người dân. Không gian mạng là không gian làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người dùng internet Việt Nam, tương đương 79,1% dân số. Bên cạnh tác động tích cực, không gian mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro, nhất là với trẻ em, vốn chưa có đầy đủ nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.” Ông Trần Đăng Khoa khẳng định.
Ứng dụng CNTT, Internet trong lĩnh vực GD&ĐT đã tạo ra những chuyển biến và đổi mới quá trình dạy và học. Việc khai thác và sử dụng mạng Internet trong học tập đã giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận được với nguồn tri thức khổng lồ và các phương pháp học mới một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Quyết định số 830 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025 hướng tới mục tiêu kép đó là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, ngăn chặn các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó chú trọng trang bị hệ miễn dịch số cho các em; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Việc bảo vệ trẻ em và quản lý việc sử dụng Internet ở trường lớp cũng như ở gia đình cũng là vấn đề lớn được nhiều nhà trường, phụ huynh ngày nay quan tâm.
Theo điều tra hộ gia đình của dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam cho thấy, 89% trẻ em từ 12-17 tuổi, sử dụng Internet, trong đó 87% sử dụng hàng ngày nhưng, chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng.
Không chỉ sử dụng tại nhà, các em còn được tiếp cận với Internet thông qua các tiết học công nghệ thông tin ở trường nhưng, thay vì học tập và tìm hiểu theo sự chỉ dẫn của thầy cô, nhiều em học sinh lại lướt Facebook, Tiktok, xem Youtube, thậm chí chơi game trong giờ học. Điều này đặt ra những rủi ro, khi môn học có mục đích hướng dẫn trẻ sử dụng Internet đúng cách, lại trở thành môi trường để trẻ có thể tiếp cận với những luồng thông tin độc hại.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững: một khi trẻ em lên mạng thì đã trở thành những công dân số rồi và các em đã phải có những ý thức, kiến thức, trách nhiệm liên quan đến hình ảnh, vai trò và tương tác của mình trên không gian mạng.
Chính vì thế nếu như các em vào internet từ sớm và chưa có những kiến thức, kỹ năng phù hợp, chưa có những chương trình để có thể kích hoạt sự phát triển của các em thì sẽ rất dễ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý cũng như sức khoẻ của các em.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc cho học sinh tiểu học từ lớp 3. Các phòng học có thiết bị nghe nhìn, thiết bị kết nối Internet và đảm bảo an toàn trong hoạt động dạy học. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đang được trang bị các phòng máy kết nối Internet nhưng nhiều trường lại chưa có các phương thức để quản lý cũng như bảo vệ an toàn mạng.
Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch hội đồng trường – Hệ thống trường Phổ thông liên cấp Edison cho rằng: “Lựa chọn và áp dụng như thế nào tuỳ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và giảng dạy của mỗi trường. Tại Edison, một ngôi trường tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đặc biệt chú trọng phát triển CNTT trong dạy và học, Internet là một phần không thể thiếu trong giảng dạy và vận hành trường học thì việc đảm bảo không gian mạng an toàn và bảo mật là yếu tố then chốt”.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Như Hoa, Trường phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, cơ quan điều phối Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Việt Nam, chỉ rõ: Nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn chính là cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất. Bàn về giải pháp công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, vị đại diện VNCERT/CC điểm ra 3 loại công nghệ bảo vệ chủ yếu gồm: công nghệ bảo vệ trên các hệ điều hành, trình duyệt, ứng dụng; các thiết bị, ứng dụng bảo vệ trẻ em trên thiết bị đầu cuối; các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra.
Từ kinh nghiệm triển khai giải pháp trong thực tiễn, ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS cho biết: “Khi các trường học hiện nay phải trang bị phòng máy kết nối Internet theo quy định, thì thách thức lớn nhất trong việc giám sát sự an toàn trên không gian mạng của các trường là tìm kiếm và trang bị các công cụ giúp theo dõi, quản lý các em. Trên thị trường hiện nay đã có những giải pháp công nghệ có thể giúp các trường quản lý học sinh trên Internet đơn giản và thuận tiện”, ông Ngô Tuấn Anh nói.
CEO SCS cũng chia sẻ thêm về giải pháp an toàn Internet cho trường học SafeGate School do Công ty phát triển áp dụng mô hình điện toán đám mây, cho phép các trường triển khai nhanh chóng và dễ dàng sử dụng với mức chi phí hợp lý hàng tháng.
Có cùng ý kiến, ông Phạm Thành Đạt, đại diện Công ty Sangfor Việt Nam cũng cho rằng: Với sự phát triển ngày càng nhanh của ngành công nghệ thông tin, nhu cầu sử dụng máy tính của trẻ cũng tăng cao, đi cùng với đó là những thách thức đến từ bảo mật phòng lab, bảo mật khi học online, thực hành online, gian lận thi cử dành cho nhà trường. Trên thế giới hiện nay đã có giải pháp VDI (Virtual Desktop Infrastructure) để thay thế những phòng máy tính truyền thống, giúp tăng cao tính bảo mật, dễ dàng, thuận kiểm soát hành vi của trẻ” ông Phạm Thành Đạt nói.
Theo các chuyên gia, cùng với các giải pháp công nghệ cần trang bị để quản lý, bảo vệ các hệ thống Internet và tạo ra môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh trong nhà trường thì giáo dục ý thức và đồng hành cùng các em khi hoạt động trên môi trường mạng là vô cùng quan trọng.
Bà Lê Tuệ Minh chia sẻ: Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi cho rằng công thức để có một môi trường không gian mạng an toàn&bảo mật hiệu quả bao gồm: sự quản lý chặt chẽ của đội ngũ quản trị viên, tường lửa (firewalls) và phần mềm kiểm soát nội dung. Đối với Học sinh, để trang bị kiến thức và nâng cao ý thức của các em khi sử dụng Internet, Nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp giáo dục, mang lại hiệu quả cao như: đưa nội dung an toàn mạng vào môn học CNTT, môn kỹ năng sống, ban hành bộ quy định về việc sử dụng mạng xã hội dành cho Học sinh, tổ chức các hội thảo về an toàn mạng có sự đồng hành cùng các chuyên gia và cha mẹ học sinh…
Còn bà Nguyễn Phương Linh cho biết: “Các em phải được giáo dục, trang bị các kiến thức để trở thành các công dân số chuẩn, có kiến thức, kỹ năng, tư duy phản biện và thấu cảm để bảo vệ bản thân mình trước các rủi ro trên môi trường mạng, vừa tận dụng những lợi thế mà công nghệ mang lại để phát triển toàn diện. Các thầy cô và cha mẹ cần là người đồng hành hướng dẫn trẻ trong tiến trình trưởng thành này bằng sự tôn trọng, hỗ trợ để con trẻ làm chủ cộng nghệ, vừa sẵn sàng đồng hành và tìm giải pháp khi con gặp các vấn đề trên môi trường mạng”.
Nguồn; VN-COP
Liên kết mạng xã hội